THỦ TỤC HỒI HƯƠNG VỀ VIỆT NAM (CẬP NHẬT MỚI NHẤT)
7.0 trên 10 được 6 bình chọn

Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, nay muốn quay về Việt Nam sinh sống, làm việc và đoàn tụ người thân thì trước hết phải xin được giấy của cơ quan có thẩm quyền đại diện nhà nước Việt Nam cho phép hồi hương. Bạn nên tìm hiểu rõ về “Thủ tục hồi hương về Việt Nam” trong bài viết sau để biết cách thức làm đơn cho bản thân hoặc bảo lãnh cho người thân quay về nước.

1. Cách thức hồi hương cho Việt kiều

Theo pháp luật Việt Nam, người Việt định cư tại nước ngoài có thể làm thủ tục hồi hương theo hai hướng. Điều nay căn cứ dựa vào giấy tờ được sử dụng để xin hồi hương Việt Nam:

Trường hợp 1: Sử dụng hộ chiếu nước ngoài (Hoa Kỳ) còn giá trị sử dụng hoặc giấy tờ thường trú do nước ngoài cấp:

Căn cứ theo quy định của Bộ Công an và Bộ Ngoại và thông tư liên tịch số 01/2012TTLT-BCA-BNG, người Việt định cư tại nước ngoài muốn hồi hương phải nộp hồ sơ tại:

– Cơ quan đại diện Việt Nam nơi người nộp hồ sơ đang cư trú (cơ quan đại diện Việt Nam); hoặc

– Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an hoặc

– Phòng quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người nộp hồ sơ đề nghị được về thường trú.

Đối với cơ quan đại diện Việt Nam, đương đơn sẽ nhận Giấy thông hành hồi hương cho người được phép về Việt Nam thường trú. Giấy thông hành được cấp cho từng người, có giá trị 12 tháng kể từ ngày cấp và không được gia hạn.

Sau khi có Giấy thông hành hồi hương, đương đơn phải về nước để thực hiện thủ tục đăng ký thường trú theo quy định của pháp luật.

Trường hợp 2: Sử dụng hộ chiếu Việt Nam hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng:

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 6 Thông tư số 35/2014/TT-BCA của Bộ Công An quy định: công dân Việt Nam định cư tại nước ngoài được về Việt Nam đăng ký thường trú mà không phải xin cấp Giấy thông hành hồi hương về Việt Nam.

2. Điều kiện xin hồi hương:

1

Xét chiếu theo các quy định pháp lý sau:

+ Luật Cư trú (Luật số 81/2006/QH11, ngày 29/11/2006).
+ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú (Luật số 36/2013/QH13, ngày 20/6/2013).
+ Thông tư số 66/2009/TT-BTC, ngày 30/3/2009 của Bộ Tài chính quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp hộ chiếu, thị thực, giấy tờ về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và cư trú tại Việt Nam.
+ Thông tư liên tịch số 05/2009/TTLT-BCA-BNG, ngày 12/5/2009 của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao hướng dẫn giải quyết cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký thường trú tại Việt Nam.

Từ căn cứ luật định như trên, thì công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài xin hồi hương về Việt Nam cần đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a.      Có quốc tịch Việt Nam và mang hộ chiếu Việt Nam: 

Nếu đồng thời có cả quốc tịch Việt Nam và giữ hộ chiếu nước ngoài thì cần có giấy xác nhận đã đăng ký công dân tại một cơ quan đại diện nước Việt Nam đặt ở nước ngoài.

Điều kiện “Có quốc tịch Việt Nam” gồm hai trường hợp sau:

– Mang hộ chiếu Việt Nam hoặc giấy tờ thay hộ chiếu còn giá trị do Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an hoặc cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cấp.

– Nếu không có hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu Việt Nam còn giá trị, thì phải có một trong các giấy tờ sau:

  • Giấy xác nhận đăng ký công dân do cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cấp;
  • Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cấp.

b.      Có thái độ chính trị rõ ràng:

Trong thời gian hiện tại không tham gia, hay ủng hộ các tổ chức chống phá Tổ quốc, không có bất kỳ hành động chống đối Chính phủ Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài;

c.      Có khả năng bảo đảm cuộc sống ở Việt Nam sau khi hồi hương:

– Có nơi ở hợp pháp: đương đơn cần ghi rõ trong đơn xin hồi hương về khả năng mua được nhà ở khi về Việt Nam, hoặc được người bảo lãnh đảm bảo chỗ ở sau khi hồi hương.

– Có khả năng duy trì cuộc sống sau khi hồi hương: người xin hồi hương phải có bằng chứng về nguồn sống hoặc dự định tìm kiếm việc làm sau khi về nước. Nếu được thân nhân bảo lãnh, đương đơn phải đảm bảo khả năng cung cấp tài chính, nuôi dưỡng sau khi hồi hương.

d.      Có một cơ quan hoặc thân nhân ở Việt Nam bảo lãnh:

– Cơ quan cấp bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo lãnh đối với trường hợp xin hồi hương để tham gia xây dựng đất nước như: có vốn đầu tư, chấp nhận việc sử dụng trình độ học vấn hoặc tay nghề cao tại một cơ sở thuộc ngành hoặc địa phương,…

– Thân nhân đủ 18 tuổi có hộ khẩu thường trú tại Việt Nam (cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em và người trong dòng tộc) bảo lãnh đối với các trường hợp xin hồi hương vì mục đích đoàn tụ gia đình và nhân đạo như: bảo đảm về nơi ăn ở, việc làm (nếu còn sức lao động), nơi nương tựa (nếu tuổi già sức yếu),…

Căn cứ theo các quy định nêu trên, để được hồi hương, bạn phải đáp ứng đủ các điều kiện nêu tại điểm a, b, c, d nói trên.

Xem thêm Luật về quốc tịch Việt Nam: chinhphu.vn

3. Thủ tục hồi hương cho người Việt định cư ở nước ngoài

2

a. Nơi nộp hồ sơ hồi hương

Trên trang của Cục Lãnh sự – Bộ Ngoại giao Việt Nam, người có nguyện vọng muốn hồi hương có thể nộp hồ sơ tại:

  • Cơ quan đại diện của Việt Nam nơi người xin hồi hương thường trú.
  • Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) hoặc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thuận tiện nhất cho đương sự (nếu đã về Việt Nam).

b. Hồ sơ hồi hương về Việt Nam bao gồm

Theo quy định của pháp luật, bạn cần lập 02 bộ hồ sơ xin hồi hương, mỗi bộ gồm:

1.      Đơn đề nghị về Việt Nam thường trú (theo mẫu);

Ba ảnh cỡ 4×6 mới chụp, 02 ảnh dán vào đơn, 01 ảnh ghi rõ họ tên (mặt sau) để phục vụ cấp Giấy thông hành nếu được hồi hương.

2.      ​Bản sao hộ chiếu nước ngoài hoặc bản sao giấy tờ thường trú của nước ngoài cấp (bản chụp và xuất trình bản chính để đối chiếu).

3.      ​Bản sao một trong những giấy tờ sau đây có giá trị chứng minh có quốc tịch Việt Nam:

+ Giấy khai sinh, trường hợp giấy khai sinh không ghi rõ quốc tịch Việt Nam thì kèm theo giấy tờ chứng minh quốc tịch của cha mẹ.

+Giấy chứng minh thư nhân dân

+ Hộ chiếu Việt Nam

+ Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam.

+ Giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp xác nhận đương sự còn giữ quốc tịch Việt Nam theo quy định của Việt Nam về quốc tịch;

4.      Các giấy tờ khác kèm theo:

+ Đơn bảo lãnh của thân nhân có xác nhận của UBND phường, xã.

+ Giấy tờ chứng minh hoặc giải trình về mối quan hệ họ hàng với người bảo lãnh, có xác nhận của UBND phường, xã.

+ Giấy tờ chứng minh về khả năng bảo đảm cuộc sống sau khi hồi hương (của người xin hồi hương hoặc/ và của thân nhân xin bảo lãnh).

+ Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.

c. Các bước thực hiện khi nộp hồ sơ xin hồi hương

Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ theo quy định của pháp luật.

Bước 2: Nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Phòng Quản lý xuất, nhập cảnh, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài nộp hồ sơ tại trụ sở làm việc của Phòng Quản lý xuất, nhập cảnh, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bước 3: trả kết quả.
Đương đơn xuất trình giấy biên nhận để đối chiếu.
Thời gian: Từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần (trừ chủ nhật và các ngày lễ).

d. Thời hạn xét hồ sơ hồi hương về Việt Nam

– Trường hợp nộp tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài:

+ Trong 10 ngày làm việc (kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ): Cơ quan đại diện Việt Nam phải gửi 01 bộ hồ sơ (bản chính) kèm theo ý kiến nhận xét về Cục Quản lý xuất nhập cảnh.

+ Trong vòng 60 ngày tiếp theo: Cục quản lí xuất nhập cảnh phải hoàn thành việc xem xét, giải quyết cho đương đơn tại nước ngoài về Việt Nam thường trú. Đồng thời, thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan đại diện Việt Nam và cơ quan chức năng của Bộ Ngoại giao.

+ Trong vòng 05 tiếp theo: cơ quan đại diện Việt Nam thông báo và cấp giấy thông hành hồi hương cho đương đơn tại nước ngoài.

– Trường hợp nộp tại Việt Nam:

+ Trong vòng 60 ngày (kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ): Cục quản lí xuất nhập cảnh hoàn thành việc xem xét, giải quyết cho đương đơn về Việt Nam thường trú. Đồng thời, thông báo kết quả giải quyết cho Công an tỉnh, cơ quan chức năng của Bộ Ngoại giao và thân nhân của đương đơn.

+ Văn bản thông báo kết quả đồng ý giải quyết cho thường trú của Cục Quản lý xuất nhập cảnh gửi cho thân nhân của người xin thường trú là giấy tờ có giá trị thay giấy thông hành hồi hương.

– Trường hợp nộp tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người nộp hồ sơ đề nghị được về thường trú tại Việt Nam:

+ Trong vongf 30 ngày làm việc (kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ): Công an tỉnh gửi hồ sơ kèm theo ý kiến nhận xét, đề xuất về Cục Quản lý xuất nhập cảnh.

+ Trong 60 ngày tiếp theo: Cục quản lí xuất nhập cảnh hoàn thành việc xem xét, giải quyết cho đương đơn về Việt Nam thường trú. Đồng thời, thông báo kết quả giải quyết cho Công an tỉnh, cơ quan chức năng của Bộ Ngoại giao và thân nhân của đương đơn.